Tâm lý - Kỹ năng
Bài viết đăng trên tạp chí ESQUIRE VIỆT NAM. Bạn có thể xem bài gốc tại http://esquirevietnam.com.vn/nhan-vat/mahb/tran-huu-duc-anh-sang-cua-vo-thuc/ Nhà thôi miên Trần Hữu Đức chia sẻ: "ý thức của con người chỉ là đứa trẻ con hay phán xét, cấm đoán... còn vô thức là một vị cao nhân" Tôi gặp Tiến sĩ, chuyên viên tâm lý trị liệu thôi miên Trần Hữu Đức ở nhà hàng Jaspas, Sài Gòn. Anh đã chia sẻ với Esquire những hiểu biết của mình về tâm thần, lý trí, cảm xúc, tâm linh và khoa học đối với con người trong thời đại công nghiệp. Anh là một trong số hiếm hoi những nhà tâm lý sử dụng liệu pháp thôi miên tại Việt Nam. Thôi miên có phải là điều gì đó thần bí, phi thường không? Chúng ta đều được trải nghiệm thôi miên mà không biết. Ví dụ, những lúc lơ đãng nhìn qua cửa sổ, miên man nghĩ đến một chuyện gì đó… Bất cứ điều gì khiến mình chú tâm tuyệt đối vào nó, có thể là tiếng chim hót, kỷ niệm cũ, bản nhạc du dương… đều là thôi miên. Những cuộc ân ái mà mình cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc, theo xác định lâm sàng, nó đầy đủ những dấu hiệu của thôi miên. Lúc đó tồn tại sự kết nối tuyệt vời giữa cơ thể và tâm hồn, khiến ta quên hết mọi thứ xung quanh. Bản chất thực sự của thôi miên là gì? Đó là một trạng thái của não khi ta cho ý thức “đi ngủ” một cách chủ động. Miên là ngủ, thôi là dẫn đến. Thôi miên có thể chủ động hoặc bị động và để đưa não bộ vào trạng thái mê của ý thức, chỉ còn vô thức. Vô thức của chúng ta từ khi sinh ra đã luôn luôn thức nó vẫn điều khiển hoạt động cơ thể như tim vẫn luôn đập, huyết áp vẫn luôn được điều chỉnh, trời nóng cơ thể tự tiết mồ hôi. Từ khi có văn minh loài người, nỗi sợ hãi tồn tại và tôn giáo xuất hiện. Con người bắt quyết, lầm rầm theo những lời khấn của thầy cúng, chủ tế… Các nghi lễ, cách bài trí không gian khiến ý thức bị khuất phục và đức tin dành cho vị thầy cúng lên ngôi. Khi đó, thầy cúng sẽ đưa một ly nước thánh và nói: “Uống đi, mọi đau khổ sẽ tiêu tan”. Chúng ta uống với niềm tin mãnh liệt và thấy khỏe ra thật. Đó là cơ chế tự chữa lành trong vô thức, đã được ly nước kích hoạt mà tự thân ý thức không tự làm được. Tại sao thôi miên lại quan trọng với y học và tâm lý học đến vậy? Con người thường để ý thức kiểm soát. Trong khi đó những gì ta ý thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những gì thật sự diễn ra trong não bộ của mình. Lấy bộ nhớ ra làm ví dụ. Ta chỉ có thể ý thức được từ 7 đến 9 điều của một danh mục nhất định lưu trong bộ nhớ. Hãy thử liệt kê tên tất cả những thầy cô bạn từng học, các tựa sách từng đọc, bạn sẽ chỉ nhớ được rất ít. Tuy nhiên, tiềm thức của chúng ta vẫn lưu trữ hàng trăm điều cho mỗi danh mục. Nếu có những vấn đề phức tạp cần dùng đến nhiều hơn 9 món từ vùng kiến thức và kinh nghiệm, ý thức sẽ chịu thua. Ý thức là một phần rất hữu hạn của công năng thực có của mỗi người. Thôi miên giúp người ta sử dụng thêm những phần không thuộc trong ý thức. Mọi đau khổ, điên cuồng của con người hiện đại phải chăng đều đến từ việc ý thức bóp méo và kiểm soát tất cả? Ý thức hình thành từ quá trình lớn lên thông qua giáo dục, bạn bè, gia đình, cộng đồng, văn hóa… Ý thức phản ảnh những thứ ta đã biết, đã học, đã nghe… nên chỉ tư duy được trong phạm vi kiến thức ở ngay thời điểm đó. Ý thức so với tiềm năng của thân-tâm-trí của ta chẳng khác nào một đứa con nít so với một cao nhân thông thái. Cậu con nít này lại có đặc trưng rất thích phân tích, so sánh, phán xét, dán nhãn. Nhiều người có tiềm năng rất lớn nhưng bị chính ý thức kiềm chế nên không phát triển được. Tự mình đánh mất tự do nên đau khổ, bất an, hằn học, làm điều ác… là vì vậy. Thôi miên là thiền được trợ giúp từ bên ngoài? Bên trong hay bên ngoài cũng vậy. Thiền và thôi miên đều hướng đến sự hài hòa giữa ý thức và vô thức. Đó là một phương pháp rất hữu hiệu giúp tăng chất lượng sống của con người. Thiền là đặc trưng của minh triết phương Đông, thâm trầm và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Thôi miên là đặc trưng của văn minh phương Tây, được quy trình hóa và kiểm nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, chỉ ứng dụng trong y khoa và trị liệu. Anh đến với thôi miên như thế nào? Tôi biết đến thôi miên từ thiền. Năm 15 tuổi, một người bạn chỉ tôi cách thiền. Tối về tôi tập ngay và có “phần thưởng” liền. Tôi tập xong rồi đi ngủ. Tôi cảm thấy giấc ngủ chỉ trong chớp mắt. Tôi mở mắt ra hoàn toàn tỉnh táo, thoải mái. Tôi không tin là mình vừa ngủ xong. Tôi nhìn ra cửa sổ, ngoài trời đã bình minh. Tôi thiền từ đó. Lớn lên, tôi hứng thú với tâm lý rồi đi học tư vấn tâm lý ở Anh và Úc. Khi có đủ nền tảng, tôi học tiếp đến thôi miên trị liệu theo chuẩn của Hiệp hội Thôi miên trị liệu của Mỹ. Phương Tây tìm đến thiền hay thôi miên nhiều hơn trong thời hiện đại? Đời sống công nghiệp và tư duy duy ý chí của phương Tây khiến họ gặp nhiều khủng hoảng. Hiện phương Tây có trào lưu hướng đến thiền. Thiền là cho mọi người, còn thôi miên, họ sẽ tìm đến khi cần điều trị về tâm lý. Phải chăng mọi tư vấn tâm lý theo kiểu dạy bảo đều không có tác dụng nếu người bệnh không chủ động nhận ra và quyết định vấn đề của mình? Tôi không bao giờ đưa ra giải pháp cho thân chủ. Tôi sẽ làm mọi điều cần thiết trong chuyên môn để giúp thân chủ của tôi tự đưa ra và tự thực thi được giải pháp cho vấn đề họ gặp phải. Cái gì tự thân sẽ bền vững. Tôi không gieo vào tâm trí thân chủ điều gì mới cả. Tôi chỉ đánh thức những hạt mầm cần thiết từ vô thức của họ. Cụ thể một vấn đề cần thôi miên để điều trị? Một cô gái bị ám ảnh rằng bất kỳ ai trở thành chồng cô ấy chắc chắn sẽ bỏ cô ta. Nỗi ám ảnh này làm hỏng mọi mối quan hệ. Cô càng yêu ai thì càng sợ mất và sẽ chủ động từ bỏ để không lâm vào cảnh bị bỏ rơi. Lúc này liệu pháp thôi miên vào cuộc. Tôi sẽ cho ý thức của cô đi ngủ và cùng vô thức của cô rà lại toàn bộ dữ liệu quá khứ. Tôi dẫn cô tìm về quá khứ và phát hiện bố cô đã bỏ hai mẹ con đi vào Nam lập nghiệp. Lúc đó, cô mới hai tuổi và đứng khóc thét trên sân ga. Bố của cô không bao giờ quay lại nữa. Lớn lên, cô không nhớ được lúc đứng ở sân ga nữa. Mẹ cũng không bao giờ nhắc đến và chỉ nói: “Bố đã chết rồi”. Tuy nhiên, sự kiện tạo nên cú sốc đó vẫn còn lưu vết trong vùng não vô thức của cô. Nó ngấm ngầm cảnh báo sự bỏ rơi của những người đàn ông. Chính cơ chế phòng vệ này đã khiến cô chủ động chia tay với người mà cô muốn kết hôn. Để trị liệu, nhà thôi miên sẽ hướng dẫn thân chủ quay lại cái sân ga kia. Nhà thôi miên sẽ giúp cô “đối diện” với cuộc chia tay trên sân ga lúc còn nhỏ. Bằng cách đó, vô thức của cô sẽ yên tâm để cuộc chia ly kia nằm yên trong quá khứ mà không phải “cảnh báo” cô nữa. Sau đó tôi đưa cô về hiện tại, tự tin và thoát khỏi nỗi sợ bị bỏ rơi từ vô thức. Thôi miên là y học: Người phương Tây học trị liệu thôi miên như một môn khoa học. Nhiều người vẫn cho rằng thôi miên là mê tín dị đoan, nhưng đó là vì họ chưa được tiếp cận khoa học thôi miên chính thống. Trong một chương trình truyền hình thực tế, anh từng đưa 16 người vào trạng thái chết giả bằng thôi miên. Liệu pháp đó có tác dụng thế nào? Tại sao đó lại là cái chết? Tôi giúp họ nhận ra và dám sống thật với ước mơ của mình. Việc cho một người chết giả bằng thôi miên để họ quý trọng cuộc sống hơn. Thoạt nghe rất giáo điều nhưng nó lại thật đến tuyệt đối. Mời bạn cùng tưởng tượng. Có chú cá ngừ đại dương biết tiếng người và bạn yêu cầu chú mô tả về biển. “Dễ mà”, chú cá trả lời: “Biển là nơi có nhiều san hô, cát, rong và rất nhiều con cá khác…”. Khi cá ở trong biển, mọi thứ nó mô tả sẽ không phải là biển. Đến khi kéo cá ra khỏi biển (môi trường sống bình thường của nó) và nói: “Cậu nhìn xuống đi, thấy biển chưa?”. Lúc đó con cá sẽ nhận ra biển mênh mông, màu xanh, có sóng và… “sao mà ngộp thở quá! Cho tôi về lại biển đi”. Khi sinh ra, ta cũng như con cá. Ta có thể mô tả về cuộc sống như cá mô tả biển. Để ý thức về cuộc sống, tôi đưa người ta vào cõi chết để họ nhận ra: À, cuộc sống là thế. Tức là tôi cho họ một góc nhìn nữa về cuộc sống. Trên thực tế, những người suýt chết luôn quý trọng cuộc sống hơn. Khi chạm đến cái chết, hầu hết họ sẽ ước giá như được sống lại, tôi sẽ sống trọn vẹn hơn, tốt hơn… Ở phương Tây, bác sỹ tâm lý có rất nhiều khách hàng. Còn ở Việt Nam thì sao? Riêng cá nhân và Công ty Better Living của tôi, lượng khách là cao. Song, tính số trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý bình quân theo dân số thì Việt Nam chúng ta còn quá ít. Phải chăng người Việt sợ điều trị tâm lý vì nghĩ mình giống kẻ điên, mắc bệnh tâm thần? Người nước ngoài cũng sợ thôi. Bạn bè người đi điều trị tâm lý sẽ hỏi với thái độ quan tâm: Ủa, bị sao mà phải đi tư vấn tâm lý? Tuy nhiên, họ đã quen vì tư vấn tâm lý chỗ nào cũng có. Nó trở thành nhu cầu của đời sống, bị đau thì đến bệnh viện, buồn khổ, hoang mang thì đi bác sỹ tâm lý. Các liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh trở về bình thường và cũng có thể giúp người bình thường trở thành phi thường. Tại Better Living, tôi có những chương trình huấn luyện chiến lược tư duy, luyện trí nhớ… cho đến việc dám ước mơ và cả những kỹ năng giúp tận hưởng cuộc sống. Thôi miên cũng là tự kỷ ám thị: Ngày xưa, những người Nhật, thổ dân Nam Mỹ… ăn những lá thuốc, rễ cây bí truyền để đưa cơ thể vào trạng thái ảo thị, ảo thanh. Lúc đó vùng não ý thức bị hiện tượng quá tải thông tin do đường kết nối giữa não ý thức và não vô thức không còn bị kiểm soát nữa. Người trong cuộc sẽ trải qua những trạng thái bất thường. Khi gắn với những nét văn hóa tôn giáo nhất định, người trong cuộc sẽ tin rằng họ trở thành siêu nhiên, hoặc “bị nhập”, “hiển linh”… Lúc đó, họ thay mặt một vị thánh nói những lời tiên tri. Đó cũng là một hình thức thôi miên từ xa xưa. Theo kinh nghiệm của anh, vấn đề tâm lý phổ biến nhất của người Việt Nam là gì? Phổ biến nhất là kìm nén cảm xúc. Điều này đến từ cách giáo dục từ nhỏ đến lớn của người Việt. Chúng ta không được dạy hay khuyến khích bày tỏ cảm xúc. Thậm chí “lời nói không mất tiền mua” nên “lựa lời mà nói” sao cho dĩ hòa vi quý. Hệ quả là một số người phải che giấu, đóng kịch quá nhiều. Do đó, một số người hay hô hào đạo đức nhưng bản thân vẫn lén lút sai phạm, mặc dù ngoài mặt lên án điều đó rất gay gắt? Bệnh đạo đức giả thì dân tộc nào cũng bị vướng chứ không riêng gì ta, nhưng mức độ khác nhau. Người Việt có khuynh hướng sợ người khác nhìn vào rồi đánh giá. Trong khi đó, lương tâm tự đánh giá thì ta quá dễ dãi cho qua. Ta thà dối lòng chứ không để người khác đánh giá ta giả dối. Chúng ta hay nói về nhau: “đàn ông mà khóc, đồ yếu đuối” hay “con gái gì chưa nói mà đã cười, đồ vô duyên”… Những điều này khiến người Việt có khuynh hướng che giấu cảm xúc cho an toàn, cho đúng. Khi kìm nén cảm xúc và không thật với bản thân mình, con người ta sẽ bị hạn chế cả năng lực tư duy lẫn sáng tạo. Khi người Ý, người Pháp đề cao cảm xúc, mọi vấn đề từ bóng đá, ẩm thực, xe hơi, thời trang… đều trở thành nghệ thuật. Họ quen được khuyến khích biểu cảm. Nói nôm na là họ có nghệ thuật thưởng thức cuộc sống và biết trân trọng cái đẹp. Sự duy mỹ sẽ dẫn con người đến gần hơn bến bờ văn minh và hạnh phúc đích thực. Tức là một số người Việt rất khó vui vì tâm lý không cởi mở. Nhiều người Việt còn cố tỏ ra hạnh phúc. Chúng ta sợ hàng xóm đánh giá, sợ đồng nghiệp chê cười. Nghèo nhưng vẫn cố diện hàng hiệu. Cuộc sống thất bại cũng cố gắng dùng hơi men để tỏ vẻ anh hùng. Nếu mãi chạy theo đánh giá của hàng xóm, cái mất lớn nhất là bản thân mình. Điều cốt yếu của hạnh phúc là sống thật? Sống thật là điều kiện cần phải có để đạt hạnh phúc đích thực. Sự đời phức tạp thế này: Điều mang lại hạnh phúc đích thực lại là những điều không sờ được, cũng chẳng hào nhoáng tí nào. Đó là những giá trị nội tâm, bao gồm: mãn nguyện, trí tự do, lòng chân thật, tin trực giác, tâm an lạc. Những thứ này thường bị chúng ta “thả mồi bắt bóng”. Nó bị đánh tráo thành những giá trị dễ “lượng hóa” hơn, hào nhoáng, thúc dục hơn như địa vị, quyền lực, tài sản, kỹ năng, kinh nghiệm. Chỉ khi ta chọn sống thật với chính mình, tức khắc sẽ nhận chân giá trị của cuộc sống. Đó là nền tảng của hạnh phúc đích thực. Cảm ơn anh đã chia sẻ! BÀI: THIÊN CA, ẢNH: ANH DŨNG “Đức có một ước mơ, đó là có thể biến ước mơ của những người khác thành hiện thực. Đức tin rằng mỗi một cá nhân cũng như mỗi một tổ chức đều có nhiều hơn những gì cần có để trở nên vĩ đại, nếu bên trong mình có một khát vọng đủ lớn và được trang bị đúng phương pháp.” Trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị và tư vấn Nguồn nhân lực, anh từng nắm giữ các vị trí Giám đốc Nhân sự, GĐ Kinh doanh, GĐ Điều hành tại các công ty và tập đoàn lớn như PepsiCo Việt Nam, UNZA, RIM Technologies, Ulysses, Dược PHANO… Anh hiện là Đồng sáng lập, Chuyên viên Tư vấn, Huấn luyện Cấp cao, Trị liệu Tâm lý và Đào tạo Kỹ năng sống tại BCC và Better Living. Đến với chuyên ngành Tâm lý học, qua 2 năm tu nghiệp, đào tạo chuyên sâu tại Anh Quốc, Úc và Hoa Kỳ; anh tiếp tục ứng dụng nguồn kiến thức và kinh nghiệm mình có được để phục vụ cho công việc giảng dạy, huấn luyện và tư vấn tại Better Living. Với anh, việc tư vấn tâm lý phải dựa trên những giá trị, niềm tin bền vững. Anh chủ trương sử dụng những phương pháp, cách thức, quy trình phù hợp với từng trường hợp riêng biệt, dễ dàng cho thân chủ thực hiện để đạt được hiệu quả cao. “If you have a dream, or not yet, Duc could help you help yourself realize your dream.” Xem thêm:
Tâm lý | Cảm xúc | Tình cảm | Hạnh phúc | Trí tuệ | Động lực | Đam mê | Mục đích sống | Ước mơ | Quản lý căng thẳng |
|
Phân loại
Kiến thức tâm lý Kết nối Thân - Tâm Phát triển bản thân Mối quan hệ Dạy con Giới thiệu
Về Better Living Đội ngũ chuyên gia Giá trị cốt lõi Khách hàng doanh nghiệp Slogan của Better Living Ý nghĩa Logo Better Living Hình ảnh hoạt động Dịch vụ Tư vấn cá nhân Tư vấn - Trị liệu tâm lý Dịch vụ Tư vấn hướng nghiệp Trăc nghiệm hướng nghiệp Đào tạo In-House Trí khôn cảm xúc Kỹ năng hoạch định và quản lý thời gian Giao tiếp thuyết phục Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp Đào tạo Public Trí khôn cảm xúc Trí khôn cảm xúc dành cho tuổi TEEN Giao tiếp thuyết phục bằng NLP Quản trị thời gian & Hoạch định cuộc đời Quản lý căng thẳng Giao tiếp thuyết phục Tâm lý người cao tuổi Talk chuyên đề Chăm sóc Thân-Tâm Đẹp vì mình Những quy tắc vàng để chiến thắng mọi cuộc phỏng vấn Cảm nhận học viên Tin tức Tâm lý - Kỹ năng Sự kiện Liên hệ Bài viết được xem nhiều nhất
|